Bệnh lao là gì?
• Bệnh lao là do vi trùng Mycobacterium tuberculosis gây ra.
• Bệnh lao có thể phá hủy phổi và những bộ phận khác của cơ thể, có thể gây tình trạng trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời.
• Bệnh lao là tình trạng nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gặp nhất ở phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não), hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương và khớp.
• Bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng tránh được.
Bệnh lao lây truyền như thế nào?
• Vi khuẩn lao lây qua đường không khí theo cơ chế: Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng sẽ nhiễm lao.
• Những người bị suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc tiểu đường, hoặc những người nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn so với những người khác.
• Một người bị bệnh lao có thể gây nhiễm vi khuẩn lao cho khoảng 10 - 15 người mỗi năm thông qua các hoạt động giao tiếp hàng ngày.
Cách nhận biết bệnh lao
• Ho: Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi cấp và mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.
• Khạc ra đờm: Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng khạc đờm không giảm thì người bệnh có triệu chứng ho khạc trên 3 tuần phải nghĩ đến do lao phổi. Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân lao phổi.
• Ho ra máu: Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi - phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…).
• Đau ngực, khó thở: Đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.
• Gầy, sụt cân: Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.
• Sốt: Là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai lạnh về chiều. Những người có triệu chứng sốt như trên cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu… phải nghĩ tới do lao phổi.
• Ra mồ hôi: Là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.
• Chán ăn, mệt mỏi: Là dấu hiệu rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống. Nhiều người bỏ qua dấu hiệu quan trọng này.
Làm thế nào điều trị dứt điểm bệnh lao?
• Phối hợp cùng lúc nhiều thuốc chống lao để tránh xuất hiện các vi khuẩn kháng thuốc. Trong giai đoạn tấn công phải phối hợp 3-4 loại thuốc, giai đoạn duy trì phối hợp 2-3 loại thuốc.
• Dùng thuốc đúng liều: liều thấp sẽ không hiệu quả dễ khiến vi trùng kháng thuốc, dùng liều cao dễ gây tai biến.
• Dùng thuốc đều đặn: các thuốc kháng lao phải tiêm và uống cùng lúc và cố định giờ trong ngày để thuốc có thể đạt đỉnh cao trong máu. Thuốc phải uống xa bữa ăn để hấp thụ vào máu tối đa.
• Dùng thuốc đủ thời gian để tránh tái phát: hiện nay điều trị lao gồm 2 giai đoạn:
+ Tấn công: kéo dài từ 2-3 tháng, mục đích là làm giảm nhanh số lượng vi trùng kể cả những vi trùng đang ngủ, để ngăn chặn đột biến kháng thuốc.
+ Duy trì: kéo dài 4-6 tháng, mục đích là tiêu diệt toàn bộ các vi trùng còn sót lại để tránh tái phát.
Bệnh lao phổi nên ăn gì?

Tăng cường hoa quả tươi và rau xanh, đặc biệt là các hoa quả có vị chua (cam, bưởi...) giàu vitamin C
• Tăng cường chất dinh dưỡng (thịt, cá, trứng...), tăng cường hoa quả tươi và rau xanh có nhiều vitamin, đặc biệt là các hoa quả có vị chua (cam, bưởi...) giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
• Để hạn chế rối loạn tiêu hóa, bổ sung những vi khuẩn có lợi cho hoạt động tiêu hóa, người bệnh nên ăn tăng cường sữa chua, khoai lang. Việc giảm hấp thu có dẫn đến thiếu một số vitamin như vitamin K, khiến tăng nguy cơ khái huyết (ho ra máu) ở bệnh nhân lao phổi, ngoài ra còn do chức năng gan kém cũng làm giảm tổng hợp các yếu tố đông máu.
• Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K như gan, rau xanh, dầu thực vật. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B6 như đỗ, đậu, chuối... Một số loại hoa quả tươi giàu glucose như nho có tác dụng giải độc gan kết hợp với uống trà nhân trần, trà actiso thay nước để tăng cường hiệu quả giải độc cho cơ thể.
Để cần thêm thông tin tư vấn bệnh lao, bạn có thể gọi điện thoại trực tiếp đến chúng tôi hoặc chuyển thông tin vào dưới bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn!
(Nội dung do Chuyên gia Bộ Y tế kiểm duyệt)