Thuốc kháng sinh là loại thuốc quan trọng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn, giảm các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên việc lạm dụng quá mức khiến những loại kháng sinh đã sử dụng trước đây ít hiệu quả hoặc không có hiệu quả trong việc điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn về sau.

Thăm khám bệnh cho người cao tuổi tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn
Nguyên nhân kháng thuốc kháng sinh: Kháng thuốc kháng sinh là khả năng của vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn kháng lại các hiệu quả của thuốc kháng sinh. Khi đó, vi khuẩn sẽ thay đổi theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc, hóa chất hoặc các tác nhân khác được dùng để chữa bệnh.
Bất kì vi khuẩn nào sống sót sau khi điều trị kháng sinh đều có thể nhân lên và truyền các đặc tính của nó cho các thế hệ sau. Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể chuyển các đặc tính kháng thuốc của chúng sang các vi khuẩn khác, điều này làm gia tăng số lượng chủng loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng nhiều hơn.
Lạm dụng thuốc kháng sinh: Việc lạm dụng kháng sinh, đặc biệt là dùng kháng sinh ngay cả khi chưa thật sự cần thiết hoặc dùng kháng sinh khi chưa phải là phương pháp điều trị thích hợp (thông thường được nhắc đến là điều trị bao vây) làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Hậu quả của kháng thuốc kháng sinh: Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng, nhưng nhân loại chưa tìm ra được loại kháng sinh nào hoàn toàn mới để thay thế những thuốc hiện dùng, điều này gây ra nhiều lo ngại trong công cuộc chăm sóc sức khỏe y tế cho cộng đồng. Các hậu quả của nhiễm trùng kháng thuốc có thể bao gồm: Bệnh nặng hơn, thời gian phục hồi lâu hơn; bệnh tái đi tái lại thường xuyên; phương pháp và chi phí điều trị cao hơn; tử vong khi không có thuốc hiệu quả điều trị.
Để giảm sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, mỗi người chúng ta cần: Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị nhiễm khuẩn; luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không bao giờ chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh dư thừa của người khác; Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn và tiêm chủng vắc xin đúng lịch; Chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm bao gồm: giữ sạch, tách riêng nguyên liệu sống và chín, nấu kỹ, giữ thức ăn ở nhiệt độ an toàn, sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi sống.
(Trích nguồn: http://soyt.langson.gov.vn/)