Hiện nay, trong bối cảnh Lạng Sơn đang cùng cả nước thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 thì vẫn còn tình trạng người từ Trung Quốc trở về hút thuốc lá trong cơ sở cách ly tập trung của tỉnh. Thói quen hút thuốc lá hoặc tình trạng nghiện thuốc khiến họ tháo khẩu trang và không thể thực hiện nghiêm túc tất cả các biện pháp khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Cách ly toàn xã hội là thời điểm thích hợp để những người hút thuốc lá bỏ thuốc để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

Hút thuốc lá tại khu cách ly tập trung phòng chống Covid-19
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có 250 chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và 69 tác nhân gây ung thư cho con người. Những người có thói quen hút thuốc, nghiện thuốc lá thường mắc các bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, COPD, ung thư… Các bệnh này rất nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời, điều trị không đúng chuyên khoa, bệnh nhân sẽ bị tác dụng phụ của thuốc: sưng phù tay chân, bầm da, tiểu đường, loãng xương... Nghiêm trọng hơn là dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn khó điều trị, người bệnh phải nằm viện điều trị thường xuyên do khó giảm triệu chứng khó thở, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của những người xung quanh, người tiếp xúc gần do hút thuốc lá thụ động.
Hút thuốc lá thụ động là hít phải khói thuốc lá trong môi trường không khí. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, việc hút thuốc lá và hít hoặc ngửi phải khói thuốc lá đều có thể gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người hút thuốc lá và người hút thuốc thụ động, và không có mức tiếp xúc nào với khói thuốc lá được cho là an toàn đối với sức khỏe của người không hút thuốc lá. Trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hút thuốc lá thụ động. Khói thuốc lá có thể gây đột tử ở trẻ sơ sinh; cân nặng khi sinh thấp; xảy các bệnh về hô hấp, viêm tai giữa... Ở phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non, sinh con nhẹ cân... Đối với trẻ em, việc phơi nhiễm với khói thuốc lá trong thời kỳ bào thai do người mẹ mang thai hút thuốc là nguyên nhân làm suy giảm chức năng phổi ở trẻ. Việc trẻ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá sau sinh cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm chức năng phổi ở trẻ, kể cả khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, trong những ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe con người, việc gây suy giảm chức năng phổi ở người hút và người không hút là một trong những ảnh hưởng rõ rệt. Trong cơ thể con người, phổi có vai trò chính yếu là trao đổi các chất khí: đưa ô xy từ không khí vào tĩnh mạch phổi và đưa các bon đi - ô- xít từ động mạch phổi ra ngoài, giúp cho cơ thể duy trì hoạt động sống. Ngoài ra, phổi còn có chức năng giúp chuyển hóa một vài chất sinh hóa, lọc một số độc tố trong cơ thể. Suy giảm chức năng phổi có liên quan chặt chẽ tới nguy cơ gia tăng tỉ lệ tử vong, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Những người đang hút thuốc lá thì chức năng phổi bị suy giảm rõ rệt so với những người không hút và gây ra nhiều bệnh đường hô hấp. Việc hút thuốc lá cũng làm suy giảm hệ miễn dịch ở người hút, làm cho họ trở nên mẫn cảm hơn với nhiều bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh truyền nhiễm nhóm A như COVID-19. Hút thuốc lá có liên quan tới sự tiến triển cũng như mức độ trầm trọng của bệnh COVID-19. Theo tài liệu của Hội Y tế công cộng Việt
Nam
, virus COVID-19 tấn công phổi và các chuyên gia y tế đều nhất trí rằng những người có phổi và hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng có nguy cơ mắc các biến chứng về hô hấp nghiêm trọng do COVID-19 gây ra. Những người hút thuốc lá có nguy cơ gặp các triệu chứng nặng khi mắc COVID-19 cao hơn 1,4 lần; và có nguy cơ phải nằm trong phòng điều trị tích cực, phải thở máy hoặc tử vong cao hơn 2,4 lần so với người không hút thuốc lá.
Bài, ảnh : Minh Anh