Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao tiết niệu, lao ruột...trong đó bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, Việt Nam hiện đang đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Để hạn chế bệnh Lao lây lan trong trong cộng đồng, không còn cách nào khác là cắt đứt nguồn lây, cũng tức là phát hiện và điều tri kịp thời, dứt điểm các trường hơp lao phổi.
Bệnh viện Phổi tỉnh Lạng Sơn là một bệnh viện hạng II, chuyên khoa về lao và bệnh phổi với hơn 100 giường bệnh. Ngoài thực hiện tiếp nhận, điều các bệnh nhân mắc lao và các bệnh về phổi, Bệnh viện còn trực tiếp triển khai công tác phòng, chống lao ở các tuyến trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, được sự quan tâm của UBND Tỉnh, Sở Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, Bệnh viện Phổi được trang bị thêm nhiều trang thiết bị y tế chuyên khoa hiện đại như máy đo độ loãng xương, máy chụp cắt lớp, máy định danh vi khuẩn, máy đếm tế bào ngoại vi…, cán bộ được đào tạo nâng cao chuyên môn kỹ thuật đảm bảo khả năng phát hiện bệnh sớm và đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Trong năm 2019, Bệnh viện phổi đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị, hướng dẫn giúp đỡ người bệnh tận tình, chu đáo trong suốt quá trình khám và điều trị nội trú, ngoại trú. Kết quả, khám và làm xét nghiệm lao được 6.826 bệnh nhân (Bn) tăng 113,7% (so với kế hoạch 6.000 Bn); tỷ lệ điều trị lao thành công 935/1015 đạt 92,1%; Bn lao thu nhận được 955; tỷ lệ Bn được xét nghiệm HIV/tổng số Bn lao thu nhận 901/955 đạt 94,3% tăng 3,2%; tỷ lệ điều trị thành công Bn lao kháng thuốc 13/21 đạt 61,9% tăng 1,9%; thu nhận lao trẻ em 27; khám sàng lọc trẻ em sống cùng Bn lao phổi 149/261 trẻ, phát hiện 09 em bị bệnh lao...

Bệnh viện Phổi Lạng Sơn thực hiện khám sàng lọc chống dịch Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện
Bên cạnh đó, Bệnh viện đã tăng cường công tác truyền thông tại Bệnh viện với các nội dung như: thông báo nội quy, quy định của Bệnh viện; tuyên truyền về cách phòng, chống lây nhiễm bệnh Lao, hướng dẫn ho khạc đờm đúng cách để tránh lây cho người xung quanh, cách chăm sóc và điều trị bệnh lao các bệnh về phổi, hướng dẫn giữ vệ sinh, xử lý rác thải lây nhiễm; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh về dịch vụ, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lao và bệnh phổi... Truyền thông tại cộng đồng và huy động xã hội, được đẩy mạnh vào tháng 3 nhân ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3; phối hợp với các đơn vị liên quan, mạng lưới tổ chức triển khai đa dạng, nhiều hình thức truyền thông phòng, chống lao và truyền thông vận động ủng hộ Quĩ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)...
Thực hiện chỉ đạo tuyến, mạng lưới chống lao được duy trì tại 11/11 huyện, thành phố và 226 xã phường. Cơ bản đáp ứng được các hoạt động khám, phát hiện và quản lý điều trị lao tại cơ sở.
Bác sĩ Ma Thị Thơm, cho biết: Hiện nay công tác chống lao đang gặp phải một số khó khăn như sự hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế, nhiều người sợ kỳ thị nên có tâm lý giấu bệnh; đội ngũ cán bộ chuyên trách lao ở một số tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến xã còn thiếu và yếu; việc thực hiện chế độ điều trị theo chiến lược DOTS ở cơ sở còn hạn chế… do vậy yêu cầu và nhiệm vụ của công tác chống lao trong năm tới còn rất nặng nề.
Để khắc phục tồn tại tại này, Bệnh viện Phổi đã tham mưu cho Sở Y tế, chỉ đạo các tuyến thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chống lao; không ngừng đẩy mạnh và đổi mới chiến dịch chống lao toàn diện trên mọi mặt. Bên cạnh các biện pháp như cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở; trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục tăng cường thêm nhiều biện pháp kĩ thuật, không ngừng đưa các kĩ thuật mới vào chẩn đoán và khám chữa bệnh, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các khoa, phòng ngay trong bệnh viện và giữa các tuyến, các đơn vị trực thuộc, tạo dựng một mạng lưới chống lao ngày càng chặt chẽ; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân hiểu biết bệnh lao và giảm kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân lao.
Bên cạnh đó, Chương trình chống lao cần sự ủng hộ và tham gia tích cực của toàn xã hội. Mỗi người dân hãy trang bị cho mình những thông tin cần thiết về cách phòng, chống bệnh và trở thành nhân tố tích cực huy động sự tham gia của cộng đồng xung quanh. Tất cả vì mục tiêu đến năm 2030 ngăn chặn và thanh toán bệnh lao trong cộng đồng theo Chương trình chống Lao quốc gia.
Bài, ảnh : Phạm Tiến Dũng - TTKSBT